Thủ tục kháng cáo bản án ly hôn như thế nào theo quy định mới nhất?

Thực tế, không phải mọi trường hợp Tòa án ra bản án, quyết định ly hôn, cả hai vợ chồng đều đồng ý. Trong trường hợp này, để có thể thay đổi nội dung bản án, quyết định ly hôn, bạn cần thực hiện thủ tục kháng cáo bản án ly hôn tại Tòa. Vậy pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích. 

Kháng cáo ly hôn là gì?

Sau quá trình giải quyết vụ việc ly hôn, nếu kết quả ly hôn thể hiện qua bản án, quyết định không đúng với mong muốn và không đảm bảo yếu tố pháp luật thì có thể xét xử lần thứ hai bằng hình thức kháng cáo. 

Kháng cáo là một trong những cơ sở pháp lý làm phát sinh thủ tục xét xử ly hôn lần thứ hai. Đây là quyền vô cùng quan trọng, được pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Mặc dù pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm kháng cáo nhưng có thể hiểu theo cách thông thường như sau:

Kháng cáo ly hôn theo thủ tục phúc thẩm là quyền của đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong thời hạn theo quy định của pháp luật, tuân theo thủ tục luật định yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật.

Vậy bản án, quyết định ly hôn có được kháng cáo không? Căn cứ theo khái niệm trên, bản án, quyết định ly hôn có thể được kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

>>>> Xem thêm: Giấy quyết định ly hôn của Tòa án để làm gì? Khi nào có?

Ai có quyền kháng cáo ly hôn?

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về người có quyền kháng cáo:

Điều 271. Người có quyền kháng cáo

Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Căn cứ theo quy định này, vợ, chồng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo đối với bản án ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm. 

Việc kháng cáo là việc yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục phúc thẩm. Đối với kháng cáo bản án ly hôn, vợ hoặc chồng không được ủy quyền người khác thực hiện kháng cáo. 

Thời gian kháng cáo quyết định ly hôn

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 273. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự có thể kháng cáo quá hạn.

3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

Như vậy, thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm phụ thuộc vào nhiều trường hợp khác nhau như sau: 

  • Nếu bạn có mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo bản án ly hôn sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. 

  • Nếu bạn không có mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo bản án ly hôn sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án, hoặc bản án được niêm yết. 

Hồ sơ kháng cáo bản án, quyết định ly hôn 

Khi cần kháng cáo ly hôn, bạn cần chuẩn bị kỹ hồ sơ kháng cáo bản án, quyết định ly hôn để đảm bảo quyền, lợi ích của mình tốt nhất. Hồ sơ kháng cáo bản án, quyết định ly hôn bao gồm:

Hồ sơ kháng cáo bản án ly hôn

  • Đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo bản án ly hôn được thực hiện theo mẫu số 54-DS tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 

  • Tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh yêu cầu kháng cáo có căn cứ. Vì đây là thủ tục xem xét lại bản án đã được xét xử sơ thẩm nên hồ sơ vụ án vẫn được lưu trữ tại Tòa án. Nếu nội dung kháng cáo được chấp nhận, Tòa án sẽ dựa trên hồ sơ vụ án đã được cấp xét xử sơ thẩm xem xét. Ngoài ra, người có đơn kháng cáo có thể nộp thêm tài liệu, chứng cứ mà mình thu thập liên quan nội dung vụ án, có lợi cho mình để nộp Tòa án cấp phúc thẩm. 

Đơn kháng cáo bản án ly hôn như thế nào?

Mẫu đơn kháng cáo bản án ly hôn như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

                                                  ……, ngày….. tháng …… năm……

 

ĐƠN KHÁNG CÁO

 

                             Kính gửi: Tòa án nhân dân (1) …………………….

Người kháng cáo: (2)……………………………………………………………………………………

Địa chỉ: (3)…………………………………………………………………………………………………

Số điện thoại:......………………………………/Fax:……………………………………………………

Là: (4)………………………………………… Kháng cáo: (5)…………………………………………

Lý do của việc kháng cáo: (6)……………………………………………………………………………

Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những việc sau đây: (7)

………………………………………………………………………………… …………………………5

……………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………….………………………………

Những tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo gồm có: (8)

……………………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………………

NGƯỜI KHÁNG CÁO (9)

Bạn có thể điền đầy đủ thông tin mẫu đơn kháng cáo ly hôn sơ thẩm theo hướng dẫn như sau:

(1) Ghi tên Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án. Nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện, bạn cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào, thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào, ví dụ như: Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. Nếu là Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương, bạn cần ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố nào. 

(2) Nếu vợ hoặc chồng kháng cáo thì ghi rõ họ tên của cá nhân đó. Ví dụ như: Nguyễn Văn A. Nếu người kháng cáo là cơ quan, tổ chức thì ghi tên của cơ quan, tổ chức đó và ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó. Nếu người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì ghi họ tên của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền (ví dụ: Người kháng cáo: Tổng công ty X do ông Nguyễn Văn B, Tổng giám đốc làm đại diện).

(3) Nếu người kháng cáo là vợ, chồng thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Địa chỉ: trú tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh D); nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Địa chỉ: có trụ sở tại số X, phố Y, quận Z, thành phố K).

(4) Ghi tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo (ví dụ: nguyên đơn (bị đơn) trong vụ án ly hôn; là người đại diện theo ủy quyền của Công ty A do ông Nguyễn Văn A - Tổng giám đốc đại diện theo giấy ủy quyền ngày….tháng…năm….)

(5) Ghi cụ thể kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần nào của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. (ví dụ: kháng cáo về vấn đề tái sản chung và nợ chung trong bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 13-1-2022 của Tòa án nhân dân thành phố K.

(6) Ghi rõ lý do cụ thể của việc kháng cáo

(7) Nêu cụ thể từng vấn đề mà người kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết. Ví dụ như: 1. Chia tài sản chung; 2. Nợ chung

(8) Trường hợp có các tài liệu, chứng cứ bổ sung thì ghi đầy đủ tên các tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo để chứng minh kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng mua bán, Hợp đồng vay ngân hàng…. 

(9) Nếu người kháng cáo là cá nhân thì phải ký tên hoặc điểm chỉ và ghi rõ họ tên của người kháng cáo đó; Nếu là cơ quan, tổ chức kháng cáo thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức kháng cáo ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; Nếu là doanh nghiệp kháng cáo thì sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp. 

Mẫu đơn kháng cáo ly hôn

Thủ tục kháng cáo quyết định ly hôn

Các bước tiến hành kháng cáo bản án ly hôn theo mẫu kháng cáo ly hôn sơ thẩm như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo 

Bước 2: Vợ hoặc chồng nộp hồ sơ kháng cáo tại tòa án có thẩm quyền là Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm. 

Bước 3: Tòa án sơ thẩm tiến hành xem xét và giải quyết đơn kháng cáo

Bước 4: Tòa án phúc thẩm thụ lý vụ án để xem xét giải quyết

Trên đây là các thông tin về kháng cáo bản án ly hôn mà Thám tử Toàn Tâm muốn gửi đến các bạn. Để kháng cáo được Tòa án chấp nhận xem xét và giải quyết, việc thu thập bổ sung các bằng chứng, chứng cứ là rất quan trọng. Vì thế, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu kháng cáo để đảm bảo quyền lợi tốt nhất. Trong trường hợp này, bạn có thể liên hệ đến thám tử Toàn Tâm qua hotline 0961061888, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn dịch vụ thu thập bằng chứng đảm bảo an toàn, hợp pháp, bí mật tuyệt đối.

 

Tác giả

Thám tử Đỗ Bình Minh

Thám tử Đỗ Bình Minh bước vào nghề thám tử tư vào đầu những năm 2000, từ đó tới nay, anh đã trực tiếp theo dõi, điều tra, giám sát, tìm kiếm và xác minh thông tin của hơn 600 nhiệm vụ khác nhau. Với trên 80% khách hàng hài lòng về dịch vụ, anh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quan trọng. Anh tiếp tục chia sẻ giá trị tới cộng đồng bằng cách cung cấp nhiều kiến thức, thông tin xung quanh nghề thám tử thông qua các bài viết trên website này.