Luật chia tài sản khi ly hôn cho con cái quy định như thế nào? 

Xếp hạng: 5 (3 đánh giá)

Chia tài sản là một trong những vấn đề quan trọng được nhiều vợ, chồng quan tâm khi ly hôn. Thông thường, việc chia tài sản được chia cho vợ, chồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, con cái vẫn được chia tài sản khi bố mẹ ly hôn. Vậy luật chia tài sản khi ly hôn cho con cái quy định như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin bổ ích về chủ đề này.  

Luật chia tài sản khi ly hôn cho con cái quy định  như thế nào? 

Luật chia tài sản khi ly hôn cho con cái quy định  như thế nào? 

1. Bố mẹ ly hôn con có được chia tài sản?

Nhiều bố, mẹ thắc mắc khi ly hôn, con có được chia tài sản chung không. Thực tế, việc phân chia tài sản chung thường được thực hiện giữa bố, mẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có thể được chia cho con cái. Các trường hợp này bao gồm: 

  • Bố, mẹ thỏa thuận chia tài sản cho con

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật không quy định cụ thể về việc chia tài sản chung cho con. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định  tại:

Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này…

Như vậy, vợ, chồng đều có thể thỏa thuận về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân cho con. Điều này đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của con, không ảnh hưởng đến quá trình phát triển, học tập của con sau này. 

  • Con đóng góp công sức tạo lập tài sản chung

Như đã phân tích ở trên, về mặt nguyên tắc, tài sản được chia xác định là tài sản chung của vợ, chồng. Tuy nhiên, tài sản có ghi nhận công sức đóng góp của con trong quá trình tạo lập vẫn được phân chia cho con để đảm bảo quyền và lợi ích đối với tài sản. Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Như vậy, các con có đóng góp công sức cùng bố, mẹ trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Tài sản này được xác định là tài sản chung của các thành viên trong gia đình. Nếu sau khi bố mẹ ly hôn, con vẫn có quyền, nghĩa vụ đối với phần tài sản đã đóng góp. Vì thế, con cái vẫn được chia tài sản chung này theo phần giá trị tương đương. 

  • Tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của con

Tài sản trong gia đình được xác định là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của con. Ví dụ như bà tặng cho cháu ngôi nhà, bố, mẹ đều chung sống tại đây. Sau khi bố, mẹ ly hôn, ngôi nhà được phân chia thuộc quyền sở hữu của con.  

>>> Xem thêm: Hồ sơ ly hôn gồm những gì theo quy định mới nhất?

2. Cách phân chia tài sản khi ly hôn cho con cái

Phụ thuộc trường hợp khác nhau, tài sản phân chia khác nhau được xác định dựa trên quy định của Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Theo quy định này, con cái được phân chia tài sản khi bố mẹ ly hôn như sau:

  • Tài sản được xác định là tài sản riêng của con sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của con và không chia cho bố, mẹ khi bố, mẹ ly hôn. 

  • Đối với tài sản thuộc sở hữu chung của gia đình, bao gồm sở hữu của con. Tài sản có thể chia bằng hiện vật nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Nếu không thể chia bằng hiện vật thì người được chia bằng hiện vật thực hiện nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản mà con được hưởng.

Ví dụ như: Ngôi nhà thuộc quyền sở hữu chung của bố, mẹ và con gái. Tuy nhiên, không thể chia đều ngôi nhà cho các thành viên trong gia đình. Vì thế, Tòa án phán quyết mẹ được chia bằng ngôi nhà, bố và con nhận thanh toán phần giá trị tài sản được hưởng bằng tiền mặt. 

Chia tài sản chung sau khi ly hôn cho con cái

Chia tài sản chung sau khi ly hôn cho con cái

3. Quản lý tài sản của con cái

Trong trường hợp con còn nhỏ, sau khi chia tài sản chung, việc quản lý tài sản chia cho con sau ly hôn được áp dụng theo quy định theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại:

Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con

1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

Áp dụng quy định này, việc quản lý tài sản phân chia sau khi ly hôn như sau:

  • Trường hợp 1: con từ đủ 15 tuổi, có thể tự mình quản lý tài sản riêng sau khi phân chia hoặc nhờ cha hoặc mẹ là người sống cùng quản lý tài sản. 
  • Trường hợp 2: con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha hoặc mẹ chăm sóc quản lý hoặc cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý. 
  • Trường hợp 3: con đang được giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự thì người này quản lý, cha hoặc mẹ phân chia tài sản cho con chỉ định người khác quản lý tài sản.

Trên đây là các thông tin chi tiết về quy định Luật chia tài sản khi ly hôn cho con cái. Hy vọng qua bài viết, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích để đảm bảo quyền, lợi ích tốt nhất. 

 

 

Tác giả

Thám tử Đỗ Bình Minh

Thám tử Đỗ Bình Minh bước vào nghề thám tử tư vào đầu những năm 2000, từ đó tới nay, anh đã trực tiếp theo dõi, điều tra, giám sát, tìm kiếm và xác minh thông tin của hơn 600 nhiệm vụ khác nhau. Với trên 80% khách hàng hài lòng về dịch vụ, anh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quan trọng. Anh tiếp tục chia sẻ giá trị tới cộng đồng bằng cách cung cấp nhiều kiến thức, thông tin xung quanh nghề thám tử thông qua các bài viết trên website này.

Viết bình luận